Cây cứt lợn: Đặc điểm, cách trồng và chăm sóc


Cây cứt lợn hay còn gọi là: cây hoa ngũ vị, cây bù xít, thắng hồng kế, cỏ hôi, cỏ thúi địch. Là cây cảnh thuộc họ cúc, vốn xuất xứ từ Mexico, được trồng hoặc mọc hoang. Cứt lợn là một loài cây nhỏ, mọc hằng năm, thân có nhiều lông nhỏ, mềm, cao khoảng 25 - 50cm, lá mọc đối xứng hình trứng hay ba cạnh, dài từ 2 - 6cm, rộng 1 - 3cm, mép có răng cưa tròn, hai mặt đều có lông, mặt dưới có màu nhạt hơn. Hoa nhỏ, màu tím xanh. Quả màu đen, có 5 sống dọc. 


 

Cách trồng cây cứt lợn


Cây thường được trồng một năm thì thu hoạch, hoa mọc chi chít từ 4 -18 bông nhỏ vào một cụm, nở quanh năm.

Cây ưa ấm áp, ánh sáng đầy đủ, chịu được bóng râm bán phần, không chịu được lạnh. Ưa khí hậu ẩm ướt và bán khô hạn, độ ẩm tương đối quát thấp không có lợi cho sự sinh trưởng của cây. Cây không yêu cầu khắt khe với đất trồng.

Tên khoa học: Ageratum conyzoỉdes

Ánh sáng: Ưa ánh sáng nhưng cũng chịu bóng râm, đầy đủ ánh sáng hoa mọc chi chít và màu sắc sặc sỡ.

Nhiệt độ: Ưa ấm áp, sinh trưởng phù hợp ở nhiệt độ 15 - 25 độ C, nhiệt độ mùa đông không thấp dưới 8 độ C.

Tưới nước: Ưa ẩm ướt, bình thường thấy đất khô mới tưới nước, khoảng 1 tuần tưới nước một lần là được, mùa hè nên tăng thêm số lần tưới nước.

Bón phân: Ưa phân bón, ngoài bón lót ra mỗi tháng nên bón thúc một lần phân phức hợp, trong thời kỳ hoa nở nên bón thêm phân phốtphát, kali.

Sâu bệnh: Ít bị sâu bệnh, bình thường chú ý tạo cho cây môi trường thông thoáng.

Nhân giống: Có thể gieo hạt hoặc giâm cành. Gieo hạt tiến hành vào mùa xuân, thông thường khoảng 2 tuần sẽ ra rễ. Giâm cành tiến hành vào mùa thu, chọn cành non ở ngọn, khoảng 15 ngày sẽ ra rễ.

Công dụng cây cứt lợn

Theo Đông y, cây hoa cứt lợn có vị cay, đắng, tính mát. Có tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, tiêu thũng, trục ứ. Dùng chữa: cảm mạo phát sốt, các chứng bệnh yết hầu sưng đau, ung thũng, mụn nhọt... Sách Quảng Đông trung dược còn nói dùng để trị bệnh sa tử cung và u tử cung.

Liều dùng khi uống trong: từ 15 - 30g khô (hoặc 30 - 60g tươi), sắc với nước uống hoặc giã vắt lấy nước cốt uống; dùng ngoài không kể liều lượng.

Một số ứng dụng cụ thể:

- Phụ nữ bị rong huyết sau khi sinh nở: Trong dân gian có kinh nghiệm hái chừng 30 - 50g cây hoa cứt lợn tươi, đem về rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt và chia 3 lần uống trong ngày, uống liên tục trong 3 - 4 ngày (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

- Trị các chứng bệnh ở yết hầu (bao gồm cả bạch hầu): Hái chừng 30 - 60g lá cây hoa cứt lợn tươi; giã nát vắt lấy nước cốt, hòa thêm nước và đường phèn vào, chia 3 lần uống trong ngày; cũng có thể lấy lá phơi khô, tán mịn, dùng làm thuốc bột - ngậm và nuốt dần xuống họng (Tuyền Châu bản thảo).

- Trị nhọt độc sưng đau: Nhổ cả cây hoa cứt lợn, rửa sạch, trộn với cơm nguội, thêm chút muối, trộn đều, giã nát, đắp vào chỗ nhọt sưng đau (Tuyền Châu bản thảo).

- Sưng đau do giãn gân, sái xương: Lấy một nắm cây hoa cứt lợn khô, cho vào lò đốt cháy và hun khói vào chỗ đau (Phúc Kiến dân gian thảo dược).

- Cảm mạo phát sốt: Lấy cây hoa cứt lợn tươi 60g, sắc nước uống (Quảng Tây trung thảo dược).

- Vết thương xuất huyết: Lấy một nắm cây hoa cứt lợn, giã nát đắp vào chỗ bị thương (Quảng Tây trung thảo dược).

- Sốt rét, cảm mạo: Lấy 15 - 20g cành và lá cây hoa cứt lợn khô, sắc với nước, chia 2 lần uống trong ngày (Văn Sơn trung thảo dược).

- Phong thấp đau nhức, gãy xương (sau khi đã cố định lại): Lấy một nắm cây hoa cứt lợn tươi, giã nát, đắp vào chỗ đau (Văn Sơn trung thảo dược). 

Xem thêm tại: https://khbvptr.vn/

#khbvptr